Hội thảo bàn tròn về quyền người lao động Việt được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản lần đầu tiên quy tụ các bên liên quan trong lĩnh vực lao động

Buổi hội thảo bàn tròn về hiện trạng người lao động Việt tại Nhật, do Rise phối họp cùng Hiệp Hội Người Việt tại Nhật tổ chức vào chiều ngày thứ Bảy 9/12 vừa qua tại Tokyo đã quy tụ hơn 40 tham dự viên là những bên liên quan trong lĩnh vực lao động. Hội trường chật kín do số người tham dự đông hơn dự kiến.

Buổi bàn tròn được điều hợp bởi cô Trinity Hồng Thuận, là người đồng sáng lập Rise, với sự tham dự phần đông là những bạn thực tập sinh, du học sinh, công nhân xuất khẩu lao động. Cùng với đó là những bên liên quan làm việc trong các nghiệp đoàn, các công ty hỗ trợ các dịch vụ từ viễn thông, tìm nhà cửa, hoặc giới thiệu việc làm cho người Việt. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của những tổ chức, cá nhân chuyên hỗ trợ người lao động Việt như cô Kawaii, thuộc Quỹ Giáo dục phúc lợi Á Châu, cô Naoko, một học giả/ ký giả người Nhật chuyên nghiên cứu về thực tập sinh, anh Nguyễn Thế Huy, giám đốc điều hành nghiệp đoàn Osaka Collaboration Management. Đặc biệt, có hai vị khách mời từ xa đến đó là Linh mục Nguyễn Cao Sâm từ Hàn Quốc. Ông là phó giám đốc Ủy ban Mục Vụ Di dân của Tổng giáo phận Seoul, Hàn quốc, và anh Lennon Wong từ Đài Loan, Giám đốc Sở Chính sách đối với người lao động nhập cư cho tổ chức Serve the People Association, một NGO bảo vệ người lao động tại Đài Loan.

Các diễn giả đó là cha Nguyễn Cao Sâm, anh Lennon Wong, và anh Nguyễn Thế Huy cho tất cả người tham dự một bức hình chung về hiện trạng của người lao động Việt tại ba quốc gia Hàn, Đài Loan, và Nhật. Sau đó các tham dự viên cùng nhau nhận diện các vấn đề và thử thách mà người lao động Việt tại Nhật đang phải đối mặt. Các thử thách được các viết lên giấy và dán lên tường, tạo thành một bức tường đầy ngập các vấn đề khác nhau.

Tiếp theo, các tham dự viên được chia thành nhóm để cùng thảo luận những giải pháp tiềm năng cho một số vấn đề ưu tiên mà tất cả mong muốn được giải quyết. Dù đến từ nhiều lĩnh vực và bối cảnh khác nhau nhưng tất cả các nhóm đã rất cởi mở làm việc cùng nhau. Các giải pháp được thảo luận và trình bày đều sâu sắc và cụ thể, giúp tạo ra nhiều ý tưởng cho những công việc cần được bắt đầu sau này.

Sau khi các nhóm đã trình bày các giải pháp của mình, người tham dự được tiếp tục đào sâu các giải pháp qua phần Q&A với các chuyên gia. Đặc biệt các bạn tại Nhật có thêm cơ hội để lắng nghe và được truyền cảm hứng về những giải pháp đã thành công tại Hàn Quốc và Đài Loan.

Trong phần đúc kết và chia sẻ những mong đợi cho các bước kế tiếp, nhiều người đều nhìn thấy được nhu cầu kết nối các tổ chức/ cá nhân đang phục vụ cộng đồng để người cần có thể dễ dàng tìm được hỗ trợ cụ thể vì như hiện nay, mọi người đều đang làm các mảng riêng, rời rạc. Một mong đợi khác đó là làm sao có thêm nhiều các hội thảo, thảo luận định kỳ để empower những người lao động, để họ để họ có thể trở thành lãnh đạo cho chính những nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng lao động.

Cuối cùng, tất cả cùng nhau chia sẻ những resource, những gì mà mọi người có thể cung cấp để hỗ trợ nhau cho cuộc sống và công việc. Buổi hội thảo kéo dài 3.5 tiếng kết thúc với một buổi tiệc giao lưu cùng những chiếc bánh pizza và sushi, để các tham dự viên có cơ hội kết nối cho những ý tưởng và nỗ lực tiếp theo.