Tầm quan trọng của việc tạo dựng tư duy lãnh đạo phong trào xã hội tại Việt Nam

Tuy người dân Việt không quá xa lạ với việc hoạt động vì thay đổi cho cộng đồng, các khóa đào tạo của Trường Nghề Phong Trào Xã Hội của Rise cho thấy việc hiểu đúng khái niệm phong trào xã hội và những tiêu chí lãnh đạo cần thiết để xây dựng và duy trì một phong trào vẫn còn rất mới mẻ.

Gương mặt nổi bật trong bảo vệ môi trường Hoàng Thị Minh Hồng là người có bề dày hoạt động với thành tích được công nhận bởi các tổ chức quốc tế có uy tín. Bà đã lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ bền vững với các đối tác trong, ngoài nước và khởi xướng hơn 200 chiến dịch. Tuy nhiên vai trò lãnh đạo phong trào không dừng lại ở ảnh hưởng cá nhân hay thành tích của một tổ chức cụ thể. Một nhà lãnh đạo phong trào cần lên kế hoạch tổng thể để phong trào được phát triển trên nhiều “mặt trận" và được nuôi dưỡng qua các giai đoạn khác nhau. Các chiến dịch sẽ không chỉ được tạo ra theo nhu cầu của từng thời điểm mà còn để duy trì sức sống phong trào trong những lúc khó khăn cũng như chớp thời cơ để bứt phá trong các thời điểm thuận lợi. Trong bối cảnh hoạt động xã hội và hoạt động phong trào còn gặp nhiều rào cản, điển hình là việc các nhà hoạt động môi trường có ảnh hưởng bị bắt giam trong thời gian gần đây, các lãnh đạo không những cần là tấm gương dũng cảm mà còn cần đặt sự an toàn của bản thân và đối tác lên hàng đầu để phong trào có thể đi xa và lan rộng hơn. 

Bằng việc xuất bản sách và các bài viết sâu sắc với tính thuyết phục cao, những nhân vật bất đồng chính kiến như Phạm Đoan Trang và Trần Huỳnh Duy Thức đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng và nuôi dưỡng cộng đồng quan tâm. Sự kiên cường của họ khi bị kết án và trong thời gian tù tội cũng là nguồn cảm hứng lớn cho nhiều người. Tuy vậy khi những khuôn mặt nổi bật gặp gián đoạn trong hoạt động, làn sóng ủng hộ thường bị mất đà. Một vai trò thiết yếu của lãnh đạo phong trào là hoạch định chiến lược và tổ chức nguồn lực để việc mất mát nhân sự lãnh đạo không làm chậm lại tiến trình của phong trào. 

Trong suốt bề dày lịch sử của mình, Việt Nam luôn có những tấm gương lãnh đạo đứng lên vì lợi ích của cộng đồng, nhưng để các chiến dịch không dừng lại ở những “vụ việc" bị dập tắt, chúng ta cần phát triển tư duy lãnh đạo phong trào. Vì vậy, khoá tập huấn lãnh đạo phong trào của Rise cung cấp những hiểu biết cơ bản để người tham gia dựa trên kinh nghiệm hoạt động thực tế  tự thấy vai trò của mình là gì. Nếu ở họ không hội tụ những yếu tố cần để trở thành người đi đầu, khoá đào tạo giúp họ nhận biết lãnh đạo phù hợp để ủng hộ và hỗ trợ. Nếu họ là lãnh đạo tiềm năng, đào tạo giúp họ biết mình cần trau dồi những kỹ năng gì và định hướng tầm nhìn cũng như chiến lược phong trào ra sao. Trong bước đầu xây dựng phong trào, họ có thể tiếp tục nhận được giúp đỡ và sự đồng hành của Rise khi đề xuất dự án cho chương trình “Hỗ Trợ Phong Trào Xã Hội Rise” hay tham gia các buổi hội thảo và tập huấn ngắn hạn dành cho những người đã theo học các khóa đào tạo cơ bản. Trong bối cảnh xã hội dân sự gặp nhiều thách thức, việc phát hiện và đào tạo mầm giống lãnh đạo, nếu làm tốt, sẽ có khả năng giúp các phong trào xã hội tại Việt Nam phát triển bền vững hơn.

Rise

Thay Đổi Trong Tầm Tay