Nhìn lại 2023 để hướng tới 2024 cùng các cố vấn Rise

Xuyên suốt quá trình hình thành và hoạt động, Rise luôn nhận được những góp ý chân thành từ các chuyên gia, cố vấn tâm huyết. Năm 2023 trôi qua với nhiều sự kiện đặc biệt cho cả tổ chức lẫn những cá nhân của chúng tôi. Rise mời bạn đọc lại những câu chuyện và nhận định của từng cố vấn để có thêm góc nhìn phong phú hơn về chúng tôi, và cùng chung tay hướng tới tương lai đầy triển vọng trong năm Rồng 2024!

Nhà báo Tina Hà Giang: luật pháp không rõ ràng sẽ làm khó cho người dân

Năm 2016, Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, bộ luật này được đánh giá là không đảm bảo quyền lợi cho người dân trong việc tiếp cận các thông tin. Mà nó bắt buộc người dân phải nộp các đơn đề nghị đến cơ quan nhà nước, trong đó phải trình bày lý do thì mới được cung cấp thông tin (theo chế xin-cho). Với bộ luật này, dư luận cho rằng nhà nước Việt Nam đang tìm cách hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân. Ngoài ra, sự mập mờ không rõ ràng của các điều luật cũng gây khó khăn cho người dân khi làm việc với các cơ quan hành chính...

Nói về vấn đề này, nhà báo Tina Hà Giang, cựu biên tập viên BBC Tiếng Việt, cố vấn của Rise cho rằng việc "luật pháp không rõ ràng dẫn tới một hệ lụy là nhà nước luôn dùng lý do đây là loại thông tin không được phép công khai để làm khó người dân. Hoặc khi người dân muốn tiếp cận loại thông tin được tự do tiếp cận mà phải điền đơn yêu cầu cung cấp thông tin và xét duyệt lý do thì cũng khá vô lý."

Nhấn mạnh về tình trạng "không rõ ràng" này, chị Hà Giang cho rằng lỗ hổng lớn nhất của Luật Thông tin và có lẽ nhiều luật khác) là không minh bạch (not transparent). Không minh bạch cả về loại thông tin lẫn về thủ tục yêu cầu xem thông tin. Sự thiếu minh bạch khiến chính phủ, trong trường hợp này, thay vì phải đóng vai trò phục vụ dân chúng, lại đóng vai trò chủ nhân, và tạo một liên hệ "xin cho" giữa chính quyền và dân, nơi người dân không có ý thức về quyền lợi của mình để mà đòi hỏi những quyền lợi của mình để đòi hỏi.

Theo chị, muốn giải quyết vấn đề lỗ hổng pháp luật này về thông tin, chúng ta phải giáo dục sao cho người dân biết rằng, được pháp luật bảo vệ là một quyền căn bản của họ, chứ không phải là một đặc ân mà họ phải đi xin. Phải có một  lực để người dân hiểu rõ về điều này, để nâng cao nhận thức (awareness) của họ.  Nỗ lực này có thể được thực hiện quá những bài viết, phỏng vấn giới làm luật hay những khẩu hiệu, v.v... 

Mỗi khi thấy một sự kiện nào trong xã hội mà người dân là nạn nhân của lỗ hổng thông tin này, thì cần có một hay một loạt bài phân tích, bình luận để một lần nữa nêu lên vấn đề này và yêu cầu cơ quan có trách nhiệm làm rõ. Cố vấn Rise chia sẻ.

Nâng cao nhận thức của người dân là một tiến trình rất dài, và chúng ta phải rất kiên trì, nhưng bắt tay vào việc thì chúng ta đã xong được một nửa, miễn là chúng ta bền trí, rồi cứ từ từ và đều đều mà thực hiện, chị Tina Hà Giang nói.

Nhà báo Nguyễn Hùng và câu chuyện tại BBC Tiếng Việt

Những tuần cuối năm 2023 đánh dấu sự chuyển giao giữa hai văn phòng BBC Tiếng Việt ở London và Bangkok trước khi BBC chính thức đóng cửa trụ sở BBC Tiếng Việt ở London. Anh Nguyễn Hùng, một trong các cố vấn của Rise, đã có 17 năm làm việc chủ yếu cho BBC Tiếng Việt bên cạnh làm việc cho Vùng châu Á của BBC trong vài trò phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á. Anh chia sẻ với Rise về quá khứ, hiện tại và tương lai của BBC Tiếng Việt: 

Tương lai về đâu?

Năm 2024 sẽ là năm đầu tiên kể từ năm 1952, năm BBC Tiếng Việt ra đời ở London trong tháng Một, BBC Tiếng Việt không có trụ sở ở London và cũng không có đại diện ở London. Ngân sách ngày càng eo hẹp của BBC nói chung đã khiến BBC chuyển trụ sở của hầu hết các ban ngôn ngữ về các khu vực để tiết kiệm kinh phí; tiền lương trả theo giá địa phương sẽ thấp hơn trong khi chi phí cho văn phòng nói chung cũng giảm đi so với London. 

Ngoài kinh phí eo hẹp hơn, BBC Tiếng Việt cũng đối mặt với sự hao mòn tầm ảnh hưởng trong số người đọc, người nghe và người xem. Nếu như trong Cuộc chiến Việt Nam và trong những năm sau này, cả một thế hệ sống không thể thiếu BBC, thì ngày nay BBC chỉ là một trong số các kênh cung cấp thông tin qua mạng internet và mạng xã hội như nhiều kênh của các tổ chức và cá nhân khác. Sự thiếu vắng các nội dung mang tính sáng tạo cao, sự táo bạo và sự tỉ mỉ trong điều tra khiến sức hút của BBC giảm dần. 

Lấy một ví dụ cụ thể vụ đảng viên lão thành Lê Đình Kình bị sát hại tại nhà hồi đầu năm 2020 là một vụ gây chấn động và BBC Tiếng Việt hoàn toàn có thể tiến hành một phóng sự điều tra công phu ở dạng video hay podcast. Đây là những đề tài báo chí trong nước không bao giờ có thể theo được và BBC Tiếng Việt cũng như các hãng truyền thông Việt ngữ bên ngoài Việt Nam lại có lợi thế vì không bị kiểm duyệt từ phía chính quyền. Nhìn vào cách các hãng này đưa tin về các vấn đề ở Việt Nam có thể thấy chỗ đứng của họ ở đâu trong thế giới truyền thông đa nguồn và đa dạng như hiện nay.

Văn phòng ở Bangkok có phải là giải pháp tốt?

Tôi đã từng làm ở văn phòng Bangkok của BBC Tiếng Việt nửa năm và đó chính là thời gian xảy ra đảo chính khiến Thủ tướng Thaksin Sinawatra mất chức. Có văn phòng ở khu vực với cùng múi giờ với Việt Nam rất có lợi và nó cũng phù hợp để đưa tin về khu vực và nhất là về người Việt Nam ở trong khu vực. Nhưng lợi thế cạnh tranh của BBC Tiếng Việt với truyền thông trong nước không phải ở mảng tin khu vực hay tin về người Việt trong khu vực.

Nói đúng ra lợi thế mạnh nhất của BBC Tiếng Việt so với hàng ngàn cơ quan truyền thông trong nước là khả năng đưa tin, bình luận và điều tra về các vấn đề chính trị hay liên quan tới chính trị mà các nhà báo trong nước có biết và có khả năng cũng không có đất để đăng. Để khai thác thế mạnh này, BBC cần có văn phòng London với những biên tập viên quả cảm, có kinh nghiệm và sáng tạo. 

Lý do là Bangkok quá gần Việt Nam và khả năng các nhà báo tự kiểm duyệt hoặc bị gây sức ép là hoàn toàn có. Vì lý do này tôi cho rằng chỉ giữ văn phòng Bangkok mà không có vùng an toàn ở London là một sai lầm. Có thể các lãnh đạo cao cấp của BBC giờ không còn quan tâm nhiều tới Việt Nam, có thể họ túng quá nên đành làm vậy hoặc họ thiếu hiểu biết. 

Anh làm việc cho BBC từ năm 2000-2017 ở nhiều vai trò khác nhau và ở nhiều bộ phận khác nhau; suy nghĩ của anh về những năm tháng đó ra sao?

Tôi tới London làm việc cho BBC hồi tháng 3/2000, lúc đầu chỉ ký hợp đồng ba năm nhưng rồi nó thành hợp đồng vĩnh viễn cho tới khi tôi tự rời đi hồi tháng 7/2017. BBC là nơi tôi học làm phát thanh viên, biên tập viên rồi chuyển sang phụ trách mạng xã hội và mạng kỹ thuật số cho hơn 10 ban ngôn ngữ khác nhau trong đó có cả các ban hướng tới các thị trường Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Indonesia và Trung Quốc. 

Tôi được anh Trần Hạnh, người rất tiếc đã qua đời ở tuổi ngoài 60 cách đây vài năm, tuyển sang từ Hà Nội và anh Hạnh là người mang lại những thay đổi lớn về nhân sự cho BBC Tiếng Việt với việc tuyển nhiều người trẻ, nhiều người từ miền Bắc, để thay thế cho các anh chị nhiều tuổi hơn và chủ yếu là những người rời Việt Nam ra đi sau năm 1975. Tôi làm biên tập viên và phát thanh viên kiêm viết bài cho trang web của BBC Tiếng Việt tới năm 2011 khi BBC đóng cửa các chương trình phát thanh sau khi cứ giảm dần thời lượng của các chương trình này trong nhiều năm. 

2011 cũng là năm tôi lập ra trang Facebook của BBC Tiếng việt và vài năm sau cùng với các đồng nghiệp trong đó có anh Quốc Phương và chị Hạnh Ly lập ra Bàn tròn thứ Năm để phát triển kênh YouTube của BBC Tiếng Việt. Cả hai kênh này giờ mang lại cho BBC nhiều triệu người dùng. Trước khi rời BBC hai năm tôi có chuyến đi Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 40 năm kết thúc Cuộc chiến Việt Nam. Các video từ chuyến đi đó chỉ riêng trên kênh YouTube (https://www.youtube.com/playlist?list=PLx-w4gK5YBwQ042mpk9jsPV_FbBWOOS4J ) đã có trên 17 triệu lượt xem và riêng phỏng vấn với Tướng Lê Minh Đảo, người đã qua đời hồi năm 2020, được 9 triệu người xem với hơn 12.000 bình luận. 

Phải thú thực một trong những lý do tôi rời đi khi đó là vì BBC Tiếng Việt không có nhuệ khí như tôi mong muốn và cảm giác của tôi là những đỉnh cao đều đã ở phía sau. Tôi nhớ những năm trước đây có những bài viết được cả triệu lượt người đọc nhưng rồi con số đó về sau chỉ còn vài trăm ngàn, thậm chí vài chục ngàn. Trong một thị trường có gần 100 triệu người, những con số đó quá khiêm tốn. Nhưng tôi rất biết ơn BBC vì những kinh nghiệm và kiến thức thu được ở BBC đang giúp tôi giảng dạy báo chí kỹ thuật số tại các đại học khác nhau tại Anh trong đó có City và Goldsmiths. Tôi mong BBC sẽ có những đỉnh cao mới dù họ đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

MC Diệu Quyên: Nên nắm rõ việc mình đang làm vì kết quả không đến ngay lập tức

Nelson Mandela, Tổng thống vĩ đại của Nam Phi, đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.” 

Nói về giáo dục và những sự thay đổi to lớn thì không thể không nhắc tới Hoa Kỳ. Giáo dục Hoa Kỳ từ lâu đã trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của học sinh, sinh viên trên toàn thế giới. Với đặc trưng lớn nhất là sự tự do, tôn trọng tự do cá nhân, tạo mọi điều kiện để các cá nhân có thể phát triển tiềm năng bản thân. Một trong những điều tuyệt vời nhất khi học tập tại Hoa Kỳ là vô số lựa chọn về môi trường học tập với chất lượng cao dành cho học sinh, sinh viên. 

Hiểu được tầm quan trọng của giáo dục, chị Nguyễn Khoa Diệu Quyên đã đến với ngành sư phạm với mong muốn góp phần thay đổi xã hội. Chị Diệu Quyên tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân Toán và kỹ sư điện toán, rồi trở lại đại học để hoàn tất chương trình sư phạm. Chị là một nhà giáo có kinh nghiệm trên 25 năm trong ngành giáo dục Hoa Kỳ. 

Chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ Việt Nam khi muốn du học, tiếp cận với nền giáo dục Hoa Kỳ, chị Diệu Quyên viết: "Chị nghĩ rằng trước hết các bạn trẻ phải có khả năng đọc, nghe, viết và nói tiếng Anh trên trung bình. Các em cần tìm hiểu thêm văn hóa căn bản của nước Mỹ. Ngoài ra những phong tục tập quán của Hoa Kỳ tương đối khác với Việt Nam nên các em cần hiểu rõ trước khi sang Mỹ để tránh nhiều tình trạng hiểu lầm".

Hiện nay, ngoài việc là giáo sư giảng dạy tại một trường trung học công lập tại Nam California, chị còn là một xướng ngôn viên hệ thống truyền hình SBTN và MC được nhiều người biết đến, và hỗ trợ nhiều chương trình từ thiện. Với những thành tựu đạt được qua nhiều đóng góp tích cực, năm 2009 chị Diệu Quyên đã nhận giải thưởng cao quý “Phụ Nữ Xuất Sắc Trong Năm” (Woman of The Year) từ Hạ viện tiểu bang California. 

Với kinh nghiệm trong ngành sư phạm, chị Diệu Quyên đã tham gia vào ban cố vấn của Rise để hướng dẫn cách truyền đạt kiến thức sao cho có hiệu quả, và cách áp dụng những kiến thức này trong công việc phục vụ cộng đồng. Những sự tư vấn này như là một hành trang kiến thức từ Hoa Kỳ truyền về đắp xây quê hương, thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển bền vững.

Theo chị Quyên, các khoá học và những hoạt động của Rise trong việc thúc đẩy phong trào xã hội như một làn gió mới đóng góp cho những thay đổi lớn lao. Chị cho rằng "đây không phải là một công việc mà chúng ta thấy kết quả ngay lập tức nhưng với thời gian và sự cố gắng của hai bên trong và ngoài nước, chị tin chắc sẽ có ngày phong trào xã hội dân sự mà Rise đang theo đuổi sẽ thành công".

Giáo sư Vũ Tường: phong trào xã hội phải tận dụng nguồn lực địa phương, học tập quốc tế

Tình hình chính trị và luật pháp của Việt Nam có nhiều sự thay đổi lớn trong những năm gần đây, khiến cho những hoạt động phong trào, các tổ chức xã hội gặp nhiều thách thức và phải tìm thêm những cách tiếp cận mới để tiếp tục phát triển. 

Bàn về vấn đề này, Giáo sư Vũ Tường, Giám đốc phân khoa Khoa Học Chính Trị, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Á Châu thuộc Đại Học Oregon (Hoa Kỳ) cho rằng "Việt Nam có nền tảng là chế độ toàn trị, là quốc gia độc nhất ở Đông Nam Á có chế độ này. Khác với hầu hết các nước Đông Nam Á, luật pháp Việt Nam không cho phép đảng đối lập hoạt động và kiểm soát ngặt nghèo báo chí và xã hội dân sự, nên phong trào xã hội gặp trở ngại hơn nhiều".

Ông Vũ Tường cũng là giáo sư thỉnh giảng tại các đại học Princeton, Naval Postgraduate ở Hoa Kỳ và Đại Học Quốc Gia Singapore. Trong việc nghiên cứu và giảng dạy của mình, giáo sư Vũ Tường chú trọng vào lĩnh vực “so sánh chính trị” về sự hình thành, phát triển của chính thể, chủ nghĩa dân tộc, và các cuộc cách mạng trong vùng Đông Á. 

Đánh giá về việc thúc đẩy phong trào xã hội tại Việt Nam, giáo sư Vũ Tường nói "nếu có điều kiện, phong trào xã hội ở Việt Nam có thể cử người sang thăm các nước Đông Nam Á để tạo liên kết và tham khảo, cũng như quan sát những tổ chức của họ khi vận động bầu cử hay đấu tranh cho quyền lợi của các nhóm dân chúng, và học những gì có thể học được từ cách họ tổ chức và vận động. Phải sống lâu năm trong môi trường độc tài toàn trị, có nhiều khái niệm và cách suy nghĩ do tuyên truyền của chế độ đã ăn sâu vào đầu của những nhà hoạt động Việt Nam (ví dụ mối lo rằng tự do nhiều sẽ gây rối loạn). Vì vậy, thay đổi môi trường sống sẽ giúp cho họ thay đổi nhận thức".

Giáo sư Vũ Tường, hiện cũng là cố vấn của Rise, nhận định rằng "mặc dù phong trào xã hội ở Việt Nam ít có thể học các bài học cụ thể từ các nước Đông Nam Á, nhưng có thể học từ những nghiên cứu về phong trào xã hội ở mọi nơi". Theo ông có 3 vấn đề mà những người xây dựng phong trào cần phải thực hiện:

Một bài học là, tập trung hoạt động hướng về những vấn đề quan trọng của địa phương mình (xã, quận huyện, thị xã, tỉnh/thành phố), để có được sự ủng hộ của người dân địa phương. Có thể là 1 nhà máy gây ô nhiễm, một quan chức tham ô hành dân, một bệnh viện hay trường học quá tải hay thu phí quá cao, hay một đập nước trong quy hoạch có thể dẫn đến thiệt hại cho cuộc sống nhiều người dân. Trong vận động địa phương chú trọng khai thác dư luận quốc gia và quốc tế nếu được.

Hai là, tận dụng các cơ sở và tổ chức mà nhà nước khó kiểm soát hay đàn áp hơn như tôn giáo. Các giá trị tôn giáo cũng nhiều phần tương đồng với các giá trị nhân quyền nên đôi bên có thể cảm thông. Phong trào xã hội ở Indonesia dựa khá nhiều vào tổ chức Hồi giáo để hoạt động trong thời kỳ Suharto, còn công đoàn ở Hàn Quốc dưới thời Park Chung Hee nhận được sự giúp đỡ nhiều của Giáo hội Tin lành. Tôn giáo có thể đóng vai trò này ở Việt Nam là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Cao Đài, v.v… Dĩ nhiên không phải vị chức sắc tôn giáo nào cũng ủng hộ nhưng vẫn sẽ có nhiều người có tâm huyết và che chở bất chấp rủi ro. Nhà cầm quyền cũng không muốn quốc tế buộc tội đàn áp tôn giáo và sợ giáo dân nổi dậy, nên họ thận trọng hơn khi đàn áp.

Ba là, nếu có điều kiện, tiếp tục cử người ra tranh cử “Quốc Hội”, dù biết sẽ bị đàn áp. Mỗi chương trình hoạt động là một dịp để phong trào tiếp tục tồn tại và phát triển, và cũng là một dịp để thử cân não của chính quyền. Trong thời kỳ độc tài ở Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, và cả ở Singapore bây giờ, các cá nhân và phong trào tranh cử không bao giờ bỏ cuộc.

"Tham gia và tổ chức phong trào xã hội không dễ dàng kể cả khi chính quyền không cấm đoán. Điều kiện Việt Nam làm cho khó khăn hơn, nhưng không phải không thể làm được. Thường là phong trào xã hội phát triển theo chu kỳ, khi lên khi xuống, cho nên các bạn trẻ cần sự kiên trì và tầm nhìn xa để điều chỉnh chiến lược và phát triển phong trào dựa theo chu kỳ". Giáo sư Vũ Tường nhắn nhủ với các bạn trẻ đang hoạt động cộng đồng tại Việt Nam.