Rise Cùng Bác Sĩ Mỹ Gốc Việt Tư Vấn Cho Bệnh Nhân Covid-19 Ở Việt Nam Qua Zoom
Nhiều bệnh nhân F0, F1 phải cách ly tại nhà và tự điều trị. Họ hết sức hoang mang vì khó có thể nói chuyện được với bác sĩ để nhận được lời khuyên y tế chính xác.
Vào lúc 8:00 tối giờ Cali ngày 26/08/2021, tổ chức Rise đã thực hiện buổi tư vấn qua zoom lần đầu tiên giữa hai bác sĩ gốc Việt ở Mỹ và một số bệnh nhân Covid- 19 ở Việt Nam. Hai bác sĩ gốc Việt là Kristine Trần (Nam California) và Khôi Lê (Washington DC), là hai bác sĩ đã từng ở tuyến đầu trong các bênh viện để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 vào năm ngoái, khi nước Mỹ đang ở đỉnh của đại dịch. Số người Việt Nam vào zoom để được tư vấn vào khoảng 15 người, vì đây là lần đầu tiên thử nghiệm nên Rise chỉ phổ biến có giới hạn.
Trong tình trạng dịch Covid chủng Delta đang lan rộng tại Việt Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn và các khu vực phụ cận, số bệnh nhân tăng quá nhanh, khiến cho lực lượng y tế bị quá tải. Một bác sĩ ở Sài Gòn cho biết ông phải làm việc trên 12 giờ một ngày để tư vấn trên đường dây nóng cho các bệnh nhân Covid. Nhiều bệnh nhân F0, F1 phải cách ly tại nhà và tự điều trị. Họ hết sức hoang mang vì khó có thể nói chuyện được với bác sĩ để nhận được lời khuyên y tế chính xác. Đó là chưa kể tình trạng thiếu thốn dinh dưỡng, trạng thái tinh thần căng thẳng, bất ổn vì lo lắng. Trong một hoàn cảnh như vậy, ý tưởng để các bác sĩ có kinh nghiệm ở Mỹ tư vấn cho các bệnh nhân Việt Nam là rất đúng lúc và thiết thực. Biết là có sự khác biệt giữa cách đối phó dịch bệnh ở VIệt Nam và Mỹ có sự khác biệt, Rise còn tạo cơ hội để hai bác sĩ Mỹ được nói chuyện trước với một bác sĩ ở Việt Nam để nắm vững tình hình hơn.
Khi tổ chức tư vấn trên zoom, Rise cũng có phương án để từng bệnh nhân được “gặp riêng” bác sĩ vì sự bảo mật. Tuy nhiên, những người ghi danh để được tư vấn hôm đó đều chọn phương án trao đổi chung, để có thể học hỏi nhiều kinh nghiệm phòng chống Covid.
Hai bác sĩ Khôi & Kristine với kinh nghiệm dày dạn đã trả lời rõ ràng, hữu ích hầu hết các câu hỏi được đặt ra. Thí dụ: người đã bị nhiễm và đã khỏi covid thì có nên chích ngừa không? Câu trả lời là có, và sau một tháng. Hoặc là: những người có thai hay sắp có thai có nên chích ngừa covid? Câu trả lời là nên chích. Hiện nay ở Mỹ, giới khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về những tác hại của vaccine covid lên bào thai, cho nên việc chích sẽ có lợi nhiều hơn có hại. Hay là: có thể chích mũi vaccine thứ nhất và thứ hai khác loại hay không? Câu trả lời là ở nước Mỹ không khuyến khích điều này vì số lượng vaccine dư thừa, và chích cùng loại hiệu qủa vẫn cao hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam điều này vẫn có thể áp dụng được, vì số lượng vaccine theo từng chủng loại là không đủ cho mọi người.
Đối với các bệnh nhân đang phải tự điều trị tại nhà, lời khuyên là hãy uống nước thật nhiều, giữ cho nơi ở của mình thoáng khí, nằm xấp khi có triệu chứng khó thở thiếu oxy, cố gắng ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng cơ thể… Chữa ở nhà đúng cách có khi còn lợi hơn là vào bệnh viện trong tình trạng quá tải. Có một thực tế đang xảy ra là nhiều người dân đang ở trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng, vốn là nguyên nhân làm giảm sức đề kháng của con người. Giữ cho tinh thần lạc quan, chăm sóc lẫn nhau với tình thương yêu sẽ giúp người bệnh có nhiều khả năng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo này nhiều hơn.
Buổi tư vấn của Rise & hai bác sĩ kết thúc sau hơn một giờ. Ban tổ chức đồng ý đây là một hoạt động hữu ích để tiếp sức cùng người dân Việt Nam vượt qua đại dịch, nên sẽ tiếp tục và mở rộng. Rise có thể tìm thêm bác sĩ chuyên ngành cho những kỳ tới nếu cần thiết. Rise cũng sẽ có thêm các hình thức tư vấn về sức khỏe tâm lý, hướng dẫn cho người dân giữ cho tinh thần lạc quan, không bị stress trong mùa dịch.
Rise sẽ gởi thông báo về ngày giờ, cách ghi danh cho kỳ tư vấn sắp tới trong thời gian sớm nhất.
Đoàn Hưng - Việt Báo