Xây dựng lại cộng đồng tại vùng lũ - Khảo sát nhu cầu miền Trung
TÓM TẮT
Lũ lụt xảy ra tại miền Trung Việt Nam hàng năm, nhưng đợt lụt tháng 10 năm 2020 được xem là có tính lịch sử với mức báo động cao nhất - số IV. Nguyên nhân do năm cơn bão liên tiếp kéo đến trong vòng một tháng, và các đập thủy điện địa phương đồng loạt xả lũ. Biến đổi khí hậu và phá rừng đầu nguồn để làm thủy điện nằm trong những lý do chính được giới chuyên môn chỉ ra.
Các tỉnh bị ảnh hưởng trải dài từ Nghệ An đến Quảng Nam. Người dân miền Trung lại một lần nữa trở thành những nạn nhân vùng lũ, và trông nhờ vào cứu trợ từ đồng bào khắp nơi đổ về, để rồi sau đó các đoàn lại ra đi và hẹn đợt cứu trợ tới.
Báo cáo này đánh giá thực trạng, khó khăn và nhu cầu của người dân vùng lũ dựa vào chuyến khảo sát của Rise trong đợt lũ vừa qua. Mục đích là để xem xét và đề xuất những dự án thiết thực nhằm xây dựng năng lực và hỗ trợ tái thiết kế cuộc sống của người dân vùng lũ, bắt đầu từ chính nhu cầu của họ. Mong rằng những đánh giá của báo cáo này sẽ góp phần giúp các nhóm thiện nguyện cứu trợ và những tổ chức xã hội dân sự hoạt động ngày càng hiệu quả.
TIẾP CẬN VÀ QUAN SÁT
Nhóm khảo sát của Rise đến Quảng Bình vào thời điểm 20/10 đến 4/11 trong lúc tình hình khó khăn. Chuyến đi phải di chuyển bằng xe khách vì đường sắt Bắc-Nam không thể di chuyển bởi sạt lở và nước dâng cao. Đường máy bay thì không chắc chắn có thể đáp tại sân bay.
Với tinh thần cởi mở và hiền hòa tại địa phương, nhóm đã được người dân tại đây hỗ trợ ăn ở và xe máy để di chuyển khảo sát.
Tại Lệ Thuỷ, Đồng Hới, Bố Trạch và Minh Hoá nhóm đã được tiếp xúc với những người dân làm rừng, làm nông, làm rẫy, buôn bán bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Tại Ba Đồn, nhóm đã tiếp xúc với giáo dân, ngư dân tại 2 cồn giữa sông Gianh. Cuộc khảo sát được thực hiện qua trao đổi với hơn 25 người dân, lãnh đạo tinh thần và người phối hợp giúp đỡ các đoàn thiện nguyện.
NHU CẦU VÙNG LŨ
Khi lũ đang diễn ra…..
Người dân sợ tài sản bị trôi đi nên thường không chịu bỏ nhà mình để đi vào nhà tránh lũ dù được khuyến cáo. Đối với nhiều người dân nghèo những tài sản trong nhà là tài sản duy nhất họ có.
Đời sống: Thời gian đầu dù có lương thực, nhưng các hộ dân hầu hết bị cô lập, không có điện, nước sạch nên không nấu ăn được. Sau đó thì nước ngập làm hỏng lương thực dự trữ và người dân cần trợ cấp. Thời tiết tại khu vực Bắc Trung Bộ đang chuyển lạnh và càng lạnh hơn khi người ta phải ngâm nước để đi lại, sinh hoạt. Với tình trạng không giặt giũ được và không có chăn áo khô, người dân phải chịu đựng lạnh và bẩn từ nhiều ngày cho đến nhiều tuần.
Sức khỏe: Bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, bệnh cảm sốt khá nhiều. Hầu như người dân đã có kinh nghiệm sống chung với lũ nên vẫn giải quyết được. Tuy nhiên cũng rất cần hỗ trợ thuốc men, nhu yếu phẩm.
Đói: Nguy cấp nhất vẫn là nạn đói. Nhiều khu vực tại Minh Hóa bị cô lập trong lũ suốt tuần. Vì là huyện vùng sâu, các gia đình xây nhà dưới thung lũng, nên lũ lên là ngập toàn bộ. Thậm chí bệnh viện của xã cũng bị ngập lên tới tầng 3. Các phương tiện của mạnh thường quân không thể tiếp cận để mang thức ăn vào hỗ trợ sớm được.
Sau lũ…..
Sinh kế: Các hộ gia đình nuôi cá bè bị mất trắng do lũ mạng cuốn theo cả bè cá. Gia cầm nhỏ như gà, vịt có thể đưa lên cao, nhưng gia súc như lợn, bò thì chết toàn bộ. Các loại hoa màu, rau, lúa bị, cây ăn trái ngâm nước lâu cũng chết. Tài sản khác như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, máy phát điện hầu hết đều hư hại do lũ về nhanh và người dân không kịp đối phó. Theo những người được tiếp cận, đợt lũ lần này gần như họ bị thiệt hại toàn bộ gia sản. Một số gia đình thậm chí mất luôn các loại giấy tờ quan trọng như chứng minh thư, khai sinh, hộ khẩu, giấy tờ nhà, gây khó khăn hành chính cho nhiều gia đình.
Rác thải: Vấn nạn thấy rõ nhất là rác thải. Rác tràn ngập khắp mọi nơi. Có những nơi rác phủ kín hàng rào kẽm B40. Đáng mừng là đã có nhiều giải pháp xử lý từ phía cơ quan địa phương.
Trẻ em & Giáo dục: Theo Unicef khoảng 1.2 triệu trẻ em bị ảnh hưởng do không được chăm sóc y tế và học tập bị gián đoạn. Việc đi học trở lại của trẻ em khó khăn, vì các phương tiện di chuyển và phương tiện học tập của các em học sinh bị hư hỏng cũng như nhà trường chịu nhiều tổn thất.
Thất nghiệp: Tình trạng thất nghiệp cũng trở thành một vấn nạn sau lũ khi các cơ sở, cửa hàng mua bán bị thiệt hại nặng nề, và chưa thể hoạt động lại được. Những ngành nghề như đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản gặp nhiều khó khăn chưa thể phục hồi. Địa bàn Quảng Bình nói riêng cũng như miền Trung nói chung, đã sẵn chịu hậu quả thất nghiệp từ những vấn đề như Formosa. Đại dịch Covid phần nào đã ảnh hưởng ngành du lịch tại những nơi như Phong Nha.
Giao thông: Nhu cầu bức thiết nhất của người dân tại các vùng cồn. Hàng ngàn hộ dân tại những vùng cồn giữa sông bị cô lập vì thiếu cầu bê tông an toàn. Vào những ngày mưa bão các em học sinh đi học bằng phà nhỏ và đối diện nhiều nguy hiểm.
KHUYẾN NGHỊ
Hỗ trợ học sinh đến trường: Đây là một nỗ lực cần thiết để giúp cuộc sống trẻ em không bị gián đoạn và tránh những hậu quả lâu dài, như phải nghỉ học để giúp gia đình kiếm sống. Các gia đình cần được hỗ trợ học bổng để giúp phương tiện học tập cho con em, nhằm khuyến khích họ tiếp tục cho trẻ em đến trường. Trường học cũng cần được hỗ trợ sửa chữa và thay các thiết bị dạy học đã bị thiệt hại. Xa hơn cần có giải pháp dự phòng an toàn vùng lũ cho học sinh trên đường từ nhà đến trường.
Tái thiết sinh kế và tiếp cận thông tin: Những thứ nhanh và thiết thực nhất với người dân là con giống và cây trồng. Vì những đợt lũ thường xảy ra trong tháng 10-11, thời điểm người dân chuẩn bị vụ hoa màu, chăn nuôi cho mùa Tết. Các tổ chức NGO, hiệp hội và các nhóm cộng đồng hỗ trợ những cộng đồng địa phương vận động chính sách khoanh, giãn nợ, miễn lãi có thời hạn cho người dân vay nợ ngân hàng để họ có thể mua sắm lại thiết bị chăn nuôi, nuôi hải sản và đánh cá. Song song cần nỗ lực từ NGOs giúp người dân tiếp cận thông tin về chính sách mà người dân có quyền thụ hưởng khi thiên tai.
Dọn dẹp môi trường và chăm sóc y tế: Giải quyết dọn dẹp môi trường và phòng dịch bệnh, đặc biệt chăm sóc y tế vùng lũ là những ưu tiên ngắn và trung hạn. Cũng cần phải có những chuyên gia về tâm lý để tư vấn, điều trị những nỗi đau và mất mát mà người dân gánh chịu.
Gia tăng khả năng đối phó với lũ: Hình thành cộng đồng an toàn tại chỗ để phòng tránh thiên tai và xây dựng các nhà lánh nạn. Khi người dân không thể bỏ nhà mình để đi vào nhà cộng đồng tránh lũ, giải pháp cần tập trung vào ngay tại nhà của họ. Tại những vùng lũ không cao và không quá nguy hiểm, xây dựng nhà phao cho mỗi gia đình là một giải pháp thiết thực và giúp họ chủ động hơn mỗi lần lụt về. Chi phí xây một nhà phao ước lượng là 30 triệu VND. Một nhà chống lũ theo hộ gia đình từ 180-300 triệu VND.
Nhưng tại những vùng lũ lớn khi nước lên và có nguy cơ bị chia cắt và cô lập, người dân phải di dời trước tới nơi tránh trú tại các nhà tránh lũ cộng đồng trước khi tình hình quá nguy hiểm. Giải pháp tại những khu vực này là xây dựng hệ thống các nhà tránh bão lụt dành cho cộng đồng tại điểm an toàn, dành cho tất cả người dân tiếp cận và là nơi những người yếu thế, cần chăm sóc đặc biệt cũng có thể đáp ứng. Để có giải pháp lâu dài và đáp ứng đúng nhu cầu, các dự án xây dựng nhà tránh lũ cần có sự tham gia, quyết định và giám sát của người dân. Khi có sự tham gia trực tiếp, việc bảo trì các nhà chống lũ trong mùa nắng mới được quan tâm bởi người dân địa phương.
Xây dựng những cộng đồng mạnh hơn: Sự tham gia của người dân địa phương phải là một phần của giải pháp. Để có được điều này cần tập trung nỗ lực nâng tầm tiếng nói của các cộng đồng địa phương, qua những dự án huấn luyện tổ chức cộng động và thông tin về nguyên nhân và hướng giải quyết. Khi có những tiếng nói tập thể mạnh hơn, chính người dân sẽ góp phần thúc đẩy chính quyền sở tại và các nhà đầu tư thủy điện tôn trọng môi trường sống trong tiến trình phê duyệt, quản lý và giám sát. Đập thuỷ điện là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lụt hàng năm, trực tiếp qua việc xả lũ, và gián tiếp qua việc đốn rừng để làm thủy điện.
TỪ THIỆN HAY XÂY DỰNG NĂNG LỰC LÂU DÀI?
Dư luận đã có những thảo luận so sánh mức độ hiệu quả của việc từ thiện và việc xây dựng lâu dài. Trong lúc lũ lụt đang diễn ra, người dân cần áo phao hay cần tập bơi? Những gì Rise đã ghi nhận trong chuyến khảo sát là việc từ thiện hỗ trợ thức ăn, nước uống, áo phao, áo mưa, áo ấm, đèn pin, thuốc men, các nhu yếu phẩm là điều cần thiết để giữ lấy mạng sống và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên việc trợ giúp không thể dừng tại đây, vì các hậu quả từ mùa lũ vấn tiếp tục đè lên đời sống của người dân. Các nỗ lực hỗ trợ cần tập trung vào xây dựng lại đời sống. Đặc biệt cần quan tâm đến phát triển cộng đồng và nâng cao khả năng của người dân đối phó với các vấn đề liên quan đến môi trường sống của chính họ.
Trong đợt lũ lụt vừa qua rất nhiều cá nhân và tổ chức đã huy động nguồn lực từ người dân rất nhanh và rất nhiều, nhưng đa phần theo hướng phản ứng khi lũ đã xảy ra. Lúc này số tiền lớn đó hầu như chỉ được dùng để cung cấp thực phẩm và đồ dùng, đưa đến tình trạng thừa thãi và ngắn hạn.
Đây là nạn hàng năm. Nếu được chủ động và có tổ chức, các nỗ lực có thể tập trung vào vận động đóng góp sớm hơn để giúp người dân tránh lũ hoặc đối mặt với lũ tốt hơn thay vì mang nặng tính chữa cháy.
VỀ RISE
Rise là một tổ chức hỗ trợ xây dựng cộng đồng và phong trào, hướng tới thay đổi xã hội và môi trường sống tại Việt Nam. Rise tin rằng thay đổi đến từ chính người dân tham gia vào tiến trình thiết lập và quản lý chính sách ảnh hưởng lên đời sống của họ.
Chương trình Huấn Luyện và Thực Nghiệm của Rise cung cấp những khóa huấn luyện cho các nhóm phục vụ cộng đồng về xây dựng phong trào và hỗ trợ các sáng kiến giúp ích cho xã hội và môi trường sống.
THAY ĐỔI TRONG TẦM TAY
Liên lạc:
Email: team[at]vietnamrise.org
vietnamrise.org | facebook.com/vietnamrise | telegram: t.me/vietnamrise
Download báo cáo qua dạng PDF tại đây.