Sự tham gia của người dân và giải pháp chống lũ
Sự tham gia của người dân trong vùng lũ phải là một phần của giải pháp.
Nhà nghèo có hai ông bà cụ và mấy người con. Sau khi Formosa ô nhiễm vùng biển, mấy người con phải rời quê vào Sài Gòn lao động để gửi tiền về. Hai ông bà xây được căn nhà hai tầng. Khi lũ đến ông bà cụ tránh lũ ở tầng hai. Nhà sắm được chiếc tủ lạnh. Mỗi khi lũ dâng, hai ông bà tìm cách nâng tủ lạnh cao hơn một tí cho đến khi lũ dâng tới tầng hai. Tình hình nguy hiểm tại huyện Minh Hóa, Quảng Bình, nhưng ông bà nhất định không chịu dời. Phải ở nhà giữ nhà, giữ của cải đã mua sắm bằng mồ hôi nước mắt của con.
Đây là câu chuyện của nhiều người dân vùng lũ. Chỉ có điều, lũ càng ngày càng tàn phá.
Theo báo Lao Động hàng năm Việt Nam có 10-15 trận lũ quét và sạt lở đất. Các đợt lũ ngày càng tàn phá hơn và mang lại tổn thất nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài. Hơn bao giờ hết, với đợt lũ lụt lịch sử đang diễn ra trên khắp Miền Trung từ ngày 6/10 cho đến nay tiếp tục một lần nữa khẳng định tình trạng báo động và cần có giải pháp ngay.
Biến đổi khí hậu và phá rừng đầu nguồn để làm thủy điện là một trong những lý do chính của vấn đề. Dư luận thường biết đến những thủy điện lớn mang tầm quốc gia, nhưng thật ra trong nhiều năm qua, các thủy điện vừa và nhỏ đã ồ ạt ra đời tại nhiều địa phương, đặc biệt tại Miền Trung, đã góp phần không nhỏ làm tình hình thêm tồi tệ bởi công trình thủy điện xuất hiện kéo theo nạn phá rừng đầu nguồn. Chính sách năng lượng quốc gia qua Nghị quyết 55 đã định hướng điều này. Chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự ra đời của càng nhiều thủy điện trong những năm trước mắt. Đi kèm sự phát triển hệ thống thủy điện vừa và nhỏ là vô số khác như phê duyệt tràn lan, thiếu quản lý, thiếu khả năng thiết kế công trình, thiếu đánh giá hậu quả lâu dài và thiếu giám sát. Giới chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị nhưng hầu như ít thấy khía cạnh nâng cao vai trò của cộng đồng địa phương như một đối tác áp lực cần thiết để bảo vệ cuộc sống của chính họ.
Vai Trò Của Người Dân
Sự tham gia của người dân địa phương phải là một phần của giải pháp. Để có được điều này, chúng ta phải nâng tầm tiếng nói của các cộng đồng địa phương, để họ góp phần thúc đẩy chính quyền sở tại và các nhà đầu tư thủy điện tôn trọng môi trường sống trong tiến trình phê duyệt, quản lý và giám sát.
Sự nghèo khó và tình trạng dân trí thấp tại miền Trung thường tạo cảm giác nơi dư luận là thân phận của người dân vùng lũ được “quyết định” bởi “số trời”, như thể họ chỉ có thể cam chịu như “định mệnh” an bài ở một vùng đất mà thiên nhiên luôn oan nghiệt. Tuy nhiên, đó là cách nghĩ không đúng. Bất luận như thế nào, họ cũng có một sức mạnh tập thể. Ý chí luôn vươn lên và đối mặt với nghiệt ngã thiên nhiên đã cho thấy điều đó. Sức mạnh cộng đồng không đến từ học vấn, từ những phân tích sâu xa hoặc ý tưởng cao đẹp. Sức mạnh cộng đồng đến từ những người, một cách đơn giản, muốn bảo vệ đời sống của chính mình.
Dựa vào tin tức của báo chí nhà nước, Rise tìm thấy vào năm 2018 có ít nhất 166 vụ người dân phản đối các vấn đề liên quan đến đời sống họ như tình trạng lao động, đất đai, giao thông, mua bán kinh doanh… Trong 166 vụ, môi sinh chiếm 26 vụ. Các phản đối này mang tính hành động như xuống đường giăng biểu ngữ, đình công, ngăn chặn một sự kiện… Dù sự sẵn sàng là có nhưng hành động thường mang tính tự phát. Vì thiếu tổ chức, xác định mục tiêu lâu dài và hoạch định kế hoạch, một số phản đối mang tính bạo động và nhất thời, không mang lại sự tham gia rộng rãi và lâu dài. Do đó, người dân cần được hướng dẫn. Cách thực hiện cần có một tư duy phong trào, đặc biệt ở những nhóm và tổ chức cộng đồng đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ vùng lũ. Họ cần kiến thức, công cụ cũng như huấn luyện, để làm đối tác đồng minh cần thiết cho cộng đồng địa phương trong việc xây dựng sức mạnh để đối phó với các công trình thủy điện địa phương gây tác hại trực tiếp đến chính đời sống của họ.
Xây Dựng Phong Trào Như Thế Nào?
Cốt lõi của xây dựng phong trào là khái niệm quyền lực trong xã hội. Quyền lực, dù nằm ở chính quyền địa phương, ở doanh nghiệp, hội đoàn hay cá nhân, không miên viễn và tự động có. Quyền lực được chống đỡ bởi những cột trụ chung quanh. Nếu quyền lực đến từ sự thuần phục của con người qua các cột trụ, con người có thể thay đổi hiện trạng, đưa đến thay đổi cho những cộng đồng bị yếu thế.
Với cộng đồng vùng lũ và các nhóm phục vụ, họ cần kiến thức và công cụ để giúp đánh giá nhu cầu cộng đồng; hiểu rõ sự khác biệt khi nào người dân chấp nhận sự gian khó và khi nào họ cảm thấy bất bình và các ý niệm này trực tiếp ảnh hưởng động lực hành động của con người ta như thế nào. Họ cần công cụ giúp tổ chức cộng đồng để tìm sự tham gia của người dân bị ảnh hưởng và nâng cao khả năng nhận diện đồng minh và đối phương để chuyển hóa họ. Những nhóm phục vụ cộng đồng cần nắm rõ cách thức để đưa thông điệp một cách thuyết phục nhằm phát triển phong trào và đồng thời tác động rộng rãi. Qua sự tham gia có tổ chức của cộng đồng, sức mạnh được xây dựng tại chính cộng đồng đang bị ảnh hưởng sẽ giúp họ không còn có thể chỉ biết cam chịu như là nạn nhân của các lũ lụt đến rồi đi. Hỗ trợ xây dựng phong trào tại các cộng đồng yếu thế là việc cần làm ngay để góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề cấp bách ngăn chặn việc phá rừng trong các dự án xây dựng thủy điện vừa và nhỏ ở cấp địa phương.
Rise là một tổ chức hỗ trợ xây dựng phong trào và cộng đồng, hướng tới thay đổi xã hội và môi trường sống tại Việt Nam.