#BLM: Từ khía cạnh chiến thuật xây dựng phong trào

Trong khi nhiều tổ chức cộng đồng của người da đen đấu tranh cho quyền của họ đã có trong nhiều thập niên qua, phong trào Black Lives Matter  (BLM) chỉ bắt đầu từ 2013.

Sau cái chết của Trayvon Martin, một người trẻ da đen 17 tuổi bị bắn chết bởi một nhân viên bảo vệ, 3 người phụ nữ người da đen có sáng kiến khởi động hashtag #BlackLivesMatter trên mạng xã hội. Hashtag #BlackLivesMatter được đón nhận ngoài sức tưởng tượng. Theo Pew Research Center hashtag #BlackLivesMatter được nêu 11.8 triệu lần trên Twitter từ 2013 đến 2016.  Nhìn thấy điều này giới hoạt động trong cộng đồng người da đen đã nhanh chóng khai dụng mạng xã hội để khơi dậy sự quan tâm công chúng và huy động sự tham gia rộng rãi.

Vào năm 2013 ba phụ nữ khởi xướng hashtag #BlackLivesMatter đã thành lập tổ chức Black Lives Matter Global Network, được tổ chức theo dạng mạng lưới với hơn 40 phân hội độc lập tại nhiều địa phương trong và ngoài Hoa Kỳ.  

Hashtag #BlackLivesMatter đã tạo được dư luận và đã khuyến khích nhiều người xuống đường. Tuy nhiên các cuộc biểu tình vào những năm 2013 và 2014 sau những cái chết của Michael Brown tại Ferguson, Eric Garner tại New York đã mang tính tự phát, phần nào bạo động và các yêu cầu không đồng nhất. Để có sự phối hợp chặt chẽ và bền vững hơn, Movement For Black Lives (M4BL) ra đời vào 2014. Đây là một liên minh của nhiều nhóm cộng đồng và nhiều tổ chức đấu tranh cho người da đen, trong đó có tổ chức Black Lives Matter Global Network. Những tổ chức khác có tầm vóc là Color of Change, Race Forward, National Conference of Black Lawyers v.v.

Vai trò của M4BL khá then chốt cho phong trào, vì đây là nơi đưa ra các thông điệp chính của phong trào, các đòi hỏi, các vận động chính sách cũng như những giá trị nền tảng. Đây là kim chỉ nam cho các cá nhân và tổ chức tham gia. Ai cũng có thể được xem là một phần của phong trào, nếu họ hoạt động theo những nguyên tắc chung. Liên minh M4BL được tổ chức lỏng lẻo và không có lãnh đạo tập trung.

Một số điểm rút tỉa được về cách tổ chức của phong trào BLM:

Thứ nhất, phong trào BLM được bắt đầu từ một hashtag trên mạng xã hội. Các biểu tình trong thời điểm sơ khởi mang tính tự phát, không có sự phối hợp hay cơ cấu chung để có ảnh hưởng trên đường dài. Đó cũng là đặc tính của những biểu tình tự phát nói chung. Hình thức tổ chức theo mô thức phong trào đã được nhanh chóng hình thành.

Thứ nhì, đặc tính của một phong trào là có sự phối hợp giữa các cá nhân và tổ chức, cùng muốn thay đổi hiện trạng của một vấn xã hội hay chính trị. Tập thể đó có cùng mục tiêu chung, nền tảng giá trị và hành động chung để giữ được sự tham gia lâu dài của cộng đồng. Trong 7 năm qua phong trào BLM đã thành công tạo được cơ cấu hoạt động với mạng lưới Black Lives Matter Global Network và liên minh M4BL. Khi thời điểm chín muồi đến, như chúng ta đang thấy hiện nay, phong trào BLM đã có sẵn nền tảng để đẩy mạnh và tạo sức ép. 

Thứ ba, phong trào BLM chọn cách thức tổ chức khác so với quá khứ. Các phong trào trong quá khứ được lãnh đạo bởi những nhân vật nổi như Martin Luther King, Jesse Jackson. Trong khi đó cách tổ chức ngày hôm nay dựa vào sự độc lập của các nhóm địa phương với hình thức hoạt động hoàn toàn phi tập trung. Thay vào đó các cuộc biểu tình tập trung vào những khuôn mặt tiêu biểu của các nạn nhân.

Rise là một tổ chức hỗ trợ xây dựng phong trào và cộng đồng, hướng đến việc thay đổi xã hội và môi trường sống tại Việt Nam. 

Nguồn: Clay Banks

Nguồn: Clay Banks

Rise